Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi về số liệu thống kê Bộ ngành

Thứ năm - 18/07/2013 17:25 86 0

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi  về số liệu thống kê Bộ ngành

Vừa qua Báo Thanh Niên có bài viết "Số liệu thống kê kinh tế Việt Nam: Ông nói gà, bà nói vịt" của phóng viên N. Trần Tâm, phản ảnh ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế về một số bất cập liên quan đến sự chênh lệch giữa số liệu thống kê công bố chính thức của TCTK với số liệu thống kê các Bộ ngành. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có ý kiến phản hồi liên quan, được phóng viên Anh Vũ trích đăng trong bài viết " Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: "Nhiều Bộ ngành thống kê số liệu chưa chuẩn". Trang TTĐT Cục Thống kê tỉnh Tây NInh xin trích đăng lại toàn bộ bài viết này.

 

Bài viết trên báo Thanh Niên

 

 

Nhiều trục trặc cần chấn chỉnh

Ông Thức cho biết, hiện nay theo quy định của Thủ tướng có hai hệ thống số liệu, một là hệ thống chỉ tiêu quốc gia như: GDP, CPI, xuất nhập khẩu... duy nhất do Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố. Còn lại một hệ thống số liệu của các bộ, ngành công bố theo từng lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành “lấn sân” cũng đứng ra công bố chỉ tiêu quốc gia, sau đó con số này có thể được đưa vào báo cáo của Chính phủ gây ra độ chênh sau khi so sánh với con số chính thức từ TCTK.

 Về những số liệu xuất nhập khẩu mà Báo Thanh Niên phản ánh TCTK “vênh” nhau với Tổng cục Hải quan (5 tháng đầu năm xuất khẩu của khu vực có vốn FDI, kể cả dầu thô, đạt 32,7 tỉ USD; nhưng cùng thời điểm, số liệu của Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy kim ngạch xuất khẩu của khu vực này chỉ đạt gần 30,52 tỉ USD…) ông Thức cho biết, có thể do thời điểm, ngày chốt số liệu không trùng khớp. Hoặc cũng có thể bị sai số ở một khâu kỹ thuật nào đó từ hai bên. “Hiện nay chúng tôi cũng lấy số liệu xuất nhập khẩu chính thức từ hải quan nên cơ bản không có gì khác nhau. Tuy nhiên, có thể quá trình tổng hợp có sai số do biện pháp kỹ thuật, sau khi báo phản ánh số liệu “ông nói gà, bà nói vịt” tôi đã yêu cầu các đơn vị chức năng ngay lập tức rà soát, kiểm tra lại ngay” - ông Thức nói.

Đối với số liệu FDI, TCTK công bố nửa năm 2013 cả nước có 44 tỉnh được cấp phép mới, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) nói 46 và cách tính chưa sát tiêu chí của quốc tế, ông Thức thừa nhận “đúng là có hiện tượng này”, vì bản thân FIA sở hữu một hệ thống thống kê chưa thật chuẩn. “TCTK không có nguồn FDI nào khác ngoài việc lấy nguồn của FIA. Nhiều lần tôi cũng đã nói với Vụ Xây dựng vốn đầu tư của Tổng cục rà soát và thấy bên FIA có nhiều cách thống kê chưa chuẩn, phải trao đổi thống nhất lại” - ông Thức cho biết.

Trở lại với vấn đề các bộ, ngành “lấn sân” TCTK công bố số liệu trong hệ thống tài khoản quốc gia, ông Thức khẳng định lại như vậy là vi phạm luật, không đúng quy định. Đơn cử như trường hợp của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội công bố số liệu về giàu, nghèo và thất nghiệp khiến TCTK đã nhiều lần phải giải trình lên, giải trình xuống với Quốc hội. Ông Thức phân trần: “Luật quy định, Thủ tướng cũng ra quyết định chỉ có TCTK công bố hệ thống chỉ tiêu quốc gia nhưng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội công bố chỉ số giàu, nghèo khác với số của chúng tôi, nên rất nhiều lần TCTK phải giải trình”.

Sự chênh lệch này theo ông Thức là những “trục trặc” trong cách thức thống kê hiện nay cần phải sớm được chấn chỉnh. 

Căn cứ để hoạch định chính sách

Chuyện số liệu mỗi nơi thống kê một kiểu, vênh nhau không chỉ bây giờ mới xảy ra, trước đó sự việc này đã gây bức xúc cho rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 vừa khép lại, những ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm: “Đã nhiều năm nay chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý, số liệu GDP của địa phương luôn cao gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia”. ĐB Hiến cũng dẫn lại một loạt số liệu khác nhau như: Tồn kho bất động sản của hiệp hội và các tổ chức khác nhau 20.000 căn hộ hay 40.000 căn, 83.000 tỉ đồng hay 40.000 tỉ đồng. Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, ngừng hoạt động, số giảm quy mô ít nhất 30% nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn tăng 1,5 triệu đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp cũng cứ giảm (năm 2010 giảm 2,8%, năm 2011 giảm 2,22% và 2012 giảm 1,99%). “Những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, do phương pháp, cũng có thể do trách nhiệm và do cả bệnh thành tích. Không có số liệu đúng, đủ không thể đưa ra đánh giá đúng, không thể dự báo, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng”, ĐB Hiến bày tỏ tâm huyết.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng chia sẻ "sự lo lắng" về độ thiếu chính xác của một số số liệu dự báo. Theo ông, các số liệu này là cơ sở để định ra các chính sách kinh tế và công tác điều hành các cấp, cần phải đạt được tính chính xác cần thiết.

Nguồn : Anh Vũ (Báo Thanh Niên)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay5,163
  • Tháng hiện tại69,805
  • Tổng lượt truy cập843,602
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây