các trang trại trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, nhưng trang trại chăn nuôi đang có xu hướng phát triển nhanh hơn |
1. Tình hình phát triển kinh tế trang trại năm 2014
- Đến thời điểm 01/7/2014, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.092 trang trại, tăng 10,64% so với năm 2012 (+105 trang trại). Trong đó loại hình trang trại trồng trọt có 965 trang trại, chiếm 88,37% tổng số trang trại toàn tỉnh, so với năm 2012 tăng 2,99% (+28 trang trại); trang trại chăn nuôi có 125 trang trại, chiếm 11,45% tổng số trang trại của tỉnh, so với năm 2012 tăng 197,62% (+83 trang trại); trang trại tổng hợp có 2 trang traị, chiếm 0,18% tổng số trang trại của tỉnh, so với năm 2012 (+2 trang trại); loại hình trang trại lâm nghiệp hiện không còn hoạt động (- 02 trang trại), trang trại nuôi trồng thủy sản do không đạt tiêu chí về diện tích nên không còn loại hình này (- 06 trang trại).
Các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu là những huyện có nhiều đất đai thuận lợi để mở rộng qui mô trồng trọt, chăn nuôi, đây là những huyện tập trung số lượng trang trại nhiều nhất. Các huyện này có 1.013 trang trại, chiếm 92,77%; riêng 2 huyện Tân Biên và Tân Châu có 864 trang trại, chiếm 79,12% số trang trại toàn tỉnh. Loại hình sản xuất của trang trại có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các loại trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp, giảm trang trại trồng trọt. Tỷ trọng trang trại chăn nuôi từ 4,26% năm 2012 tăng lên 11,45% năm 2014; trang trại trồng trọt từ 94,93% năm 2012 xuống còn 88,37% năm 2014.
Năm 2014, số trang trại chăn nuôi trong năm tăng mạnh so với năm 2012 (+83 trang trại); so với năm 2013 số trang trại chăn nuôi tăng 73 trang trại, tập trung ở các huyện Dương Minh Châu tăng 33 trang trại, Châu Thành tăng 15 trang trại, Gò Dầu tăng 12 trang trại và Tân Châu, Trảng Bàng mỗi huyện tăng 07 trang trại, Tân Biên tăng 06 trang trại, Hòa Thành tăng 05 trang trại; Thành phố Tây Ninh và huyện Bến Cầu mỗi huyện giảm 01 trang trại. Các trang trại chăn nuôi chủ yếu là nuôi gia công, do một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư toàn bộ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y cho đến bao tiêu sản phẩm. Do vậy, người chăn nuôi yên tâm sản xuất nên số lượng trang trại tăng mạnh.
Số trang trại trồng trọt tăng nhẹ 2,99% so với năm 2012 (+28 trang trại), do diện tích trồng cao su của trang trại đến kỳ thu hoạch và tăng số trang trại trồng mãng cầu do giá bán tương đối ổn định. Số trang trại trồng trọt tăng so với năm 2012 tập trung chủ yếu ở huyện Tân Châu (+96 trang trại), trong đó số trang trại trồng cao su tăng 76 trang trại, số trang trại trồng mãng cầu tăng 20 trang trại; các huyện còn lại số trang trại trồng trọt đều giảm do giá mủ cao su và một số sản phẩm nông nghiệp giảm dẫn đến doanh thu sản xuất giảm, trong đó Tân Biên giảm 20 trang trại, Châu Thành 21 giảm, Dương Minh Châu và Hòa Thành mỗi huyện giảm 01trang trại, Gò Dầu, Thành phố Tây Ninh mỗi huyện giảm 07 trang trại, Bến Cầu giảm 03 trang trại, vàTrảng Bàng giảm 08 trang trại.
Việc tỷ trọng trang trại trồng trọt giảm, đồng thời tỷ trọng trang trại chăn nuôi tăng, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu trang trại trên địa bàn ngày càng cân đối hơn theo hướng giảm dần sự chi phối của các trang trại trồng trọt. Mặc dù vậy, đến nay, tỷ trọng trang trại trồng trọt vẫn chiếm tuyệt đối với 88,37%, trang trại chăn nuôi chiếm 11,45%, trang trại tổng hợp chiếm 0,18% trong tổng số trang trại của tỉnh.
2. Tình hình sử dụng ruộng đất của trang trại
Tại thời điểm 01/7/2014, diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản do các trang trại đang sử dụng là 21.348 ha, tăng 20,12% so với năm 2012 (+3.576 ha), bình quân 1 trang trại sử dụng 19,55 ha, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, so với năm 2012 tăng 8,55% (+1,54 ha/1 trang trại). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 1 trang trại cao nhất là ở các huyện: Tân Biên 21,81 ha, Tân Châu 21,8 ha, Châu Thành 18,84 ha; các huyện còn lại từ 5,81 ha đến 8,88 ha. Từng loại hình trang trại có quy mô sử dụng đất khác nhau, bình quân 1 trang trại trồng trọt sử dụng 21,82 ha đất sản xuất nông nghiệp; trang trại chăn nuôi sử dụng 2,18 ha đất sản xuất nông nghiệp; trang trại tổng hợp sử dụng 8,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm đất đai của các trang trại là đất sản xuất liền bờ liền khoảnh, tập trung qui mô lớn thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, bảo vệ, vận chuyển sản phẩm và nhất là cơ giới hoá khâu làm đất và khâu thu hoạch cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
3. Tình hình sử dụng lao động của trang trại
Các trang trại hiện sử dụng 21.624 lao động, so với năm 2012 tăng 13,45% (+ 2.563 lao động), trong đó số lao động của hộ trang trại là 1.876 người, chiếm 8,68% tổng số lao động của trang trại, số lao động thuê mướn của trang trại là 19.748 lao động, chiếm 91,32% tổng số lao động của trang trại. Số lao động bình quân 1 trang trại là 19,8 lao động/trang trại, so với năm 2012 tăng 2,54% (+0,49 lao động/trang trại), trong đó số lao động thuê ngoài thường xuyên của trang trại bình quân là 8,58 người/trang trại, so với năm 2012 tăng 4,25% (+0,35 người/trang trại). Số lao động thuê ngoài thời vụ ở thời điểm cao nhất trong 12 tháng qua của trang trại bình quân là 11,22 người/trang trại, so với năm 2012 tăng 1,26% (+0,14 người/trang trại).
Chia theo loại hình trang trại: Trang trại trồng trọt sử dụng bình quân 21,45 người/trang trại; trang trại chăn nuôi sử dụng bình quân 7,26 người/trang trại; trang trại tổng hợp sử dụng bình quân 9 người/trang trại. Trong đó lao động thường xuyên của trang trại bình quân 1 trang trại trồng trọt 9,05 người/trang trại; trang trại chăn nuôi 4,96 người/trang trại; trang trại tổng hợp 6,5 người/trang trại. Do tính chất thời vụ của sản xuất nông lâm thủy sản nên ngoài lao động thường xuyên các trang trại còn thuê mướn lao động thời vụ thời điểm cao nhất trong năm bình quân trang trại trồng trọt 12,39 người/trang trại; trang trại chăn nuôi là 2,3 người/trang trại; trang trại tổng hợp 2,5 người/trang trại.
Tuy nhiên, đa số lao động làm việc trong các trang trại chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Một số ít lao động đảm nhiệm các khâu có yêu cầu trình độ kỹ thuật như điều khiển máy móc, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... mới được đào tạo nhưng cũng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đây là một yêu cầu bức xúc trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng cho yêu cầu phát triển ở khu vực nông thôn.
Về trình độ của chủ trang trại: Số chưa qua đào tạo là 552 người, chiếm 50,55%; số đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ là 100 người, chiếm 9,16%; số chủ trang trại được đào tạo sơ cấp nghề là 107 người, chiếm 9,8%; số được đào tạo trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 180 người, chiếm 16,48%; số được đào tạo từ đại học trở lên là 153 người, chiếm 14,01%. Nhìn chung đa số các chủ trang trại thực sự có trình độ chuyên môn chưa cao; số chủ trang trại có trình độ đại học trở lên chủ yếu là cán bộ công chức đương chức hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh.
4. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng gắn với thị trường
Giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của trang trại năm 2014 đạt 2.182,49 tỉ đồng, so với năm 2012 tăng 10,89% (+214.332 triệu đồng). Giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 1 trang trại năm 2014 là 1.998,62 triệu đồng/1 trang trại, so với năm 2012 tăng 0,23% (+4,54 triệu đồng). Trong đó giá trị thu được từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại trồng trọt đạt 1.448.111 triệu đồng, chiếm 66,35%, giá trị thu được bình quân 1 trang trại đạt 1.500,63 triệu đồng; giá trị thu từ các trang trại chăn nuôi đạt 728.932 triệu đồng, chiếm 33,4%, giá trị thu được bình quân 1 trang trại đạt 5.831,46 triệu đồng; giá trị thu từ các trang trại tổng hợp là 5.450 triệu đồng, chiếm 0,25%, giá trị thu được bình quân 1 trang trại đạt 2.725 triệu đồng. Trong năm, tình hình giá cả một số loại nông sản hàng hóa không ổn định, giá cao su liên tục giảm nên giá trị thu được của các trang trị trồng trọt tăng nhẹ (+10,89%) so với năm 2012, do diện tích đưa vào khai thác tăng hơn cùng kỳ. Huyện có tổng thu từ sản xuất kinh doanh bình quân 1 trang trại cao nhất là huyện Dương Minh Châu 5.513,56 triệu đồng, kế đến là các huyện Hòa Thành 3.848,64 triệu đồng, Trảng Bàng 3.270,91 triệu đồng, Châu Thành 2.775,01 triệu đồng, Gò Dầu 2.721,36 triệu đồng, Thành phố Tây Ninh 2.712,94 triệu đồng, Bến Cầu 2.539,06 triệu đồng, thấp nhất là huyện Tân Châu 1.382,40 triệu đồng, và Tân Biên 1.792,27 triệu đồng.
Giá trị thu từ sản phẩm và dịch vụ nông lâm, thủy sản của trang trại đều là sản phẩm hàng hóa và được tiêu thụ trên thị trường với giá trị sản phẩm và dịch vu nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra năm 2014 đạt 2.182,32 tỉ đồng, tỷ suất hàng hóa là 99,99%; bình quân 1 trang trại đạt 1.998,46 triệu đồng, so với năm 2012 tăng 0,9% (+17,86 triệu đồng). Về tỷ suất hàng hóa, hầu hết các huyện, thành phố đều đạt tỷ suất cao; riêng 02 huyện Tân Biên và Bến Cầu có tỷ suất hàng hóa đạt 99,85 đến 99,97% do các trang trại chăn nuôi chưa tiêu thụ hết sản phẩm hàng hóa. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chênh lệch nhiều giữa các lĩnh vực sản xuất. Trang trại chăn nuôi có giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp thủy sản bán ra trong năm lớn nhất với 5.830 triệu đồng/1 trang trại, tiếp đến là trang trại tổng hợp đạt 2.725 triệu đồng/1 trang trại và thấp nhất là trang trại trồng trọt đạt 1.500,63 triệu đồng/1 trang trại. Mục tiêu của sản xuất sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản của trang trại chủ yếu để bán nên phần lớn các trang trại đều có tỷ suất hàng hóa cao, cao nhất là trang trại trồng trọt và trang trại tổng hợp đạt 100,00%.
Kết quả điều tra cho thấy, tình hình kinh tế Trang trại năm 2014 trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tăng trưởng và phát triển ổn định. Cơ cấu về loại hình trang trại có những chuyển biến theo hướng tỷ trọng trang trại trồng trọt giảm và tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi và tổng hợp tăng. Sản xuất trang trại năm nay tuy gặp không ít khó khăn do giá cả một số mặt hàng nông sản tiếp tục giảm (cao su), nhưng số lượng trang trại tăng 10,64% so với năm 2012 nhưng giá trị thu được chỉ tăng nhẹ so với năm 2012 và CK năm trước nhờ phát triển về số lượng đàn gia súc, gia cầm; mặt khác, giá sản phẩm cao su liên tục giảm nhưng về giá trị vẫn tăng do diện tích đưa vào khai thác tăng đã làm doanh thu từ nông lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn năm 2012 và cùng kỳ năm 2013.
Trong các năm tới, nếu xu hướng giá cả nông sản ổn định hơn chắc chắn về quy mô và chất lượng đầu tư loại hình kinh tế này sẽ có tiềm năng phát triển mạnh. Để loại hình kinh tế này có điều kiện phát triển hơn nữa, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường một số giải pháp, như: Quy hoạch vùng sản xuất và các đơn vị tổ chức cung ứng vật tư, thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho trang trại, hổ trợ tốt hơn về mặt kỹ thuật, giống và các dịch vụ hổ trợ khác có liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh của trang trại; - Tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra của trang trại, bảo đảm giá cả ổn định để các trang trại yên tâm sản xuất; Cần nghiên cứu, định hướng về sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu thô thành thành phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo điều kiện xuất khẩu tăng doanh thu và hiệu quả trong kinh doanh. Mở rộng phát triển ngành công nghiệp chế biến, xây dựng nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cao su, giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô;Thực hiện công tác bảo hiểm về vật nuôi và cây trồng của trang trại để đảm bảo loại hình kinh tế này ổn định phát triển;
(Phòng Thống kê Nông nghiệp-Cục Thống kê tỉnh )
Ý kiến bạn đọc