Xu hướng biến động các loại hộ khu vực nông thôn Tây Ninh qua kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

Thứ ba - 18/07/2017 18:00 258 0

Xu hướng biến động các loại hộ khu vực nông thôn Tây Ninh qua kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

       Kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 cho thấy, tại thời điểm 01/7/2016, tổng số hộ có ngành sản xuất chính là nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh là 108.317 hộ, trong đó 103.673 hộ sống ở khu vực nông thôn (chiếm 95,71%) và có 4.644 hộ sống ở khu vực thành thị (chiếm 4,29%). Cơ cấu tỷ trọng hộ sản xuất NLTS chiếm 42,74% trong tổng số hộ nông thôn, giảm 7,97 điểm % so với năm 2011 (50,71%).

       Số hộ có nguồn thu nhập chính từ NLTS toàn tỉnh tại thời điểm điều tra là 108.210 hộ, trong đó 103.566 hộ sống ở nông thôn (chiếm 95,71%) và có 4.644 hộ sống ở thành thị (chiếm 4,29%). Hộ có nguồn thu nhập chính từ NLTS chiếm 42,01% số hộ nông thôn, giảm 8,92 điểm % so với năm 2011 (50,93%).

       Hộ sản xuất công nghiệp và xây dựng (CNXD) khu vực nông thôn tại thời điểm điều tra là 73.884 hộ, chiếm 29,97% số hộ nông thôn, tăng 9,66 điểm % so với năm 2011 (20,31%). Trong đó riêng hộ công nghiệp là 60.525 hộ, tăng 68,08% (+24.515 hộ) so với năm 2011, tăng nhanh hơn nhiều so giai đoạn trước (2006-2011 chỉ tăng 13.921 hộ). Cơ cấu hộ công nghiệp khu vực nông thôn toàn tỉnh là 24,55%. Huyện có cơ cấu hộ công nghiệp cao nhất là Trảng Bàng (46,43%); các huyện khác cũng có cơ cấu hộ công nghiệp tương đối cao là Gò Dầu (36,35%) và Hòa Thành (25,71%). Huyện có cơ cấu hộ công nghiệp thấp nhất là Tân Châu (6,70%), Tân Biên (7,51%).

      Hộ kinh doanh thương mại dịch vụ và dịch vụ khác khu vực nông thôn là 69.098 hộ, chiếm 28,02% hộ nông thôn, giảm 0,95 điểm % so với năm 2011 (28,97%). Riêng hộ kinh doanh thương nghiệp khu vực nông thôn là 22.634 hộ, chiếm cơ cấu 9,18%. Các huyện có cơ cấu hộ thương nghiệp cao nhất là Hòa Thành (15,16%), thành phố Tây Ninh (10,12%); huyện có cơ cấu hộ thương nghiệp thấp nhất là Trảng Bàng (6,59%). Hộ dịch vụ (kể cả kinh doanh ăn uống lưu trú) khu vực nông thôn toàn tỉnh có 29.193 hộ, chiếm cơ cấu 11,84% hộ nông thôn. Các huyện có cơ cấu hộ dịch vụ cao nhất là Hòa Thành (27,33%), Châu Thành (16,81%), Bến Cầu (14,15%). Huyện có cơ cấu hộ dịch vụ thấp nhất là Tân Biên (11,0%).

       Cơ cấu hộ nông thôn theo nguồn thu nhập chính biến đổi mạnh so với năm 2011, hộ có nguồn thu nhập chính từ nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm, hộ có nguồn thu nhập chính từ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ khác tiếp tục tăng. Kết quả về sự thay đổi các loại hộ trên địa bàn tỉnh qua 3 kỳ Tổng điều tra cho thấy:

       a. Xu hướng biến động của hộ NLTS ngược với hộ phi NLTS

      Xét trên phạm vi toàn tỉnh, số hộ NLTS ở nông thôn có xu hướng giảm qua ba kỳ Tổng điều tra và ngày càng thể hiện rõ nét. Năm 2011 có 121,57 nghìn hộ, tăng 68 hộ (tăng 0,06%) so với năm 2006; năm 2016 có 103,67 nghìn hộ, giảm 17,89 nghìn hộ (giảm 14,72%) so với năm 2011. Giai đoạn 2011-2016 tất cả 9 huyện, thành phố đều giảm số hộ NLTS, trong đó các huyện, thành phố giảm sâu nhất với 13,27 nghìn hộ (giảm 25,15%), gồm Gò Dầu (giảm 30,22%), thành phố Tây Ninh (giảm 47,25%), Trảng Bàng (giảm 19,44%) và Dương Minh Châu (giảm 17,25%).

        Cũng trong giai đoạn 2011-2016, số hộ phi NLTS tăng gần 20,93 nghìn hộ (tăng 17,16%), trong đó số hộ CN-XD tăng 47,56%; hộ dịch vụ tăng 1,02%. Nhóm hộ CN-XD tăng mạnh ở các huyện có các khu, cụm công nghiệp, nhất là các khu, cụm mới đi vào hoạt động, huyện tăng cao nhất là Dương Minh Châu (tăng 118,85%), tiếp đến là Gò Dầu (tăng 76,64%), Trảng Bàng (tăng 61,69%) và Bến Cầu (tăng 53,17%).

        Như vậy, trong 10 năm (2006-2016), xu hướng thay đổi của hộ NLTS ngược với hộ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ khác khu vực nông thôn, nếu như hộ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng 80,81% thì ngược lại hộ NLTS giảm 14,67%.

        b. Số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ NLTS giảm, ngược lại số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ phi NLTS tăng

        Khu vực nông thôn, số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động NLTS vẫn chiếm tỷ trong lớn, nhưng có xu hướng ngày càng giảm. Sau 10 năm, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập từ NLTS giảm từ 60,60% năm 2006 xuống còn 52,47% năm 2011 và 42,01% năm 2016. Tại thời điểm 01/7/2016, tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập từ hoạt động NLTS còn khá cao ở các huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành do lợi thế về điều kiện đất đai nhiều, phù hợp với phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như mì, mía, cao su và các loại cây ăn quả khác, các trang trại chăn nuôi với nhiều chủng loại… nên nhiều hộ có nguồn thu nhập cao từ nông nghiệp và thủy sản.

       Các huyện, thành phố có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động NLTS có tốc độ giảm mạnh gồm Thành phố Tây Ninh (-51,51%), Gò Dầu (-31,15%), Trảng Bàng (-20,04%) và Dương Minh Châu (-20,0%).

       Tỷ trọng nhóm hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các hoạt động phi NLTS đều tăng, tăng nhiều nhất thuộc nhóm hộ có nguồn thu nhập từ hoạt động CN-XD, chiếm tỷ trọng là 14,64% năm 2006; 20,84% năm 2011 và 29,97% năm 2016.

       Các huyện có nguồn thu nhập từ các hoạt động phi NLTS có tốc độ tăng nhanh nhất và chiếm tỷ trọng cao gồm: Hòa Thành (+86,31%), Trảng Bàng (+71,98%), Gò Dầu (+68,02%) và Bến Cầu (+57,70%).

        c. Tỷ trọng loại hộ NLTS và tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ NLTS đều giảm qua các kỳ TĐT 2006, 2011 và 2016

       Giai đoạn 2006 - 2016, tỷ trọng loại hộ NLTS và tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập từ NLTS đều giảm qua các kỳ TĐT. Tỷ trọng loại hộ NLTS giảm từ 60,59% năm 2006 xuống còn 52,28% năm 2011 và 42,05% năm 2016. Tương tự tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập từ NLTS lần lượt là 60,60%, 52,47% và 42,01%.

       Ở khu vực nông thôn, năm 2016 tỷ trọng hộ NLTS là 42,05% và tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động NLTS chiếm 42,01%; trong khi tỷ trọng hộ sản xuất phi NLTS chiếm 57,95% và tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các hoạt động phi NLTS chiếm 57,99%. Điều này cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành phi NLTS cao hơn so với hoạt động NLTS.

       Tóm lại, do tác động mạnh mẽ từ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển nền kinh tế thị trường, theo định hướng XHCN. Trong thời gian qua, cơ cấu các loại hộ trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ nét theo hướng tích cực. Tỷ trọng hộ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng hộ NLTS ngày càng giảm. Bộ mặt nông thôn ngày nay đã đổi thay và khởi sắc rõ rệt; hệ thống hạ tầng đang thay đổi từng ngày; khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được mở rộng và phát triển; lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao hơn.

 

Tin: Mai  Hữu  Đạt-Trưởng phòng Nông nghiệp, CTK

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay807
  • Tháng hiện tại27,437
  • Tổng lượt truy cập1,508,896
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây