Lạm phát thấp không chỉ do tổng cầu quyết định

Thứ tư - 16/04/2014 23:20 265 0

Lạm phát thấp không chỉ do tổng cầu quyết định

Ngày 29/3/2014, trang “Thời báo Ngân hàng” có bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về hiện tượng CPI các tháng đầu năm 2014 ở mức thấp và các vấn đề liên quan. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cầu của nền kinh tế quý 1 vẫn tăng và nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Còn việc tín dụng vẫn gặp khó là do hiện nền kinh tế không hẳn đã phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng. Trang TTĐT đăng toàn bộ nội dung bài phỏng vấn, phục vụ bạn đọc trong và ngoài Ngành Thông kê tham khảo

 

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

 

 

 Hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau về chỉ số giá tiêu dùng CPI xuống thấp trong quý 1. Một luồng cho rằng, xuống thấp là mừng vì người dân chi tiêu dễ thở hơn; nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là dấu hiệu của giảm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

 

Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm nay thấp nhất trong cùng kỳ 12 năm vừa qua. Phải khẳng định, đây là điều đáng mừng. Không lẽ người dân cứ phải chịu tăng giá tháng này qua tháng khác sao. Lâu nay giá đã lên rất cao rồi, nay tốc độ tăng thấp là nên vui chứ.

Liên quan đến tổng cầu, tổng cầu của nền kinh tế quý 1 vẫn tăng. Chẳng hạn, tổng cầu quý 1 năm nay tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với 4,4% trong quý 1 năm 2013, và 5,04% quý 1 năm 2012. Tổng cầu trong quý 1 năm nay tăng cao hơn quý 1 của hai năm trước. Tuy nhiên, lạm phát thấp không phải chỉ do tổng cầu quyết định. Tổng cầu vẫn cứ tăng trong quý 1 năm nay, và cao hơn so với quý 1 của hai năm trước, song chỉ số giá thấp hơn rất nhiều so với quý 1 của các năm 2012 và 2013. Lạm phát quý 1 của năm 2013 tăng 6,91%, quý 1 năm 2012 tăng 15,95%. Điều này cho thấy, CPI giảm trong quý 1 không phải do tổng cầu. Tổng cầu chỉ là 1 trong nhiều nguyên nhân gây nên biến động giá. Lạm phát có nhiều nguyên nhân, từ quan hệ cung cầu, tiền tệ, tỷ giá,...

 

 

Vậy theo ông nguyên nhân chính của CPI thấp là gì?

 

Chỉ số CPI trong quý 1 thấp là do giá lương thực thực phẩm ổn định, hoặc giảm vì lượng cung rất dồi dào. Mọi năm vào dịp Tết giá lương thực thực phẩm tăng rất mạnh, nhưng năm nay không tăng. Giá có tăng chỉ trong vài ngày Tết, rồi lại giảm ngay do lượng cung dồi dào. Đó là nhóm thứ nhất trong 11 nhóm tính CPI, và là nhóm có quyền số lớn nhất, tác động mạnh đến CPI.

Thứ hai, là nguồn hàng cũng dồi dào. Bộ Công thương, các thành phố lớn chuẩn bị nguồn hàng rất tốt. Thứ ba, là phối hợp chính sách tốt. Đấy là các lý do chính làm chỉ số CPI không biến động trong quý I năm nay.

Một lý do nữa, là người tiêu dùng thông minh hơn trong chi tiêu. Thu nhập của người dân chưa được cải thiện so với các năm trước đây, họ nghĩ, chưa có triển vọng gì về thu nhập, thì họ sẽ cân nhắc hơn trong chi tiêu, kể cả trong dịp Tết. Nếu kinh tế ổn, có nhiều dấu hiệu tốt, thì người dân mới sẵn sàng chi tiêu hơn, chứ không như vừa rồi.

Còn sản xuất công nghiệp có cùng xu thế mà ông cho là phục hồi kinh tế đó hay không?

Sản xuất công nghiệp năm nay có dấu hiệu phục hồi so với năm trước, công nghiệp chế biến tăng 7,3% trong quý 1 năm 2014, tăng cao so với 5,3% cùng kỳ 2013. Công nghiệp chế biến chiếm hơn 70% trong tổng giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp. Đây là dấu hiệu tốt. Tất nhiên, đây là so với cùng kỳ nên không nói được nhiều. Thống kê chưa loại trừ được yếu tố mùa vụ để so với quý 4 năm ngoái. Phải loại trừ được yếu tố mùa vụ so với quý 4 năm ngoái thì mới khẳng định vững chắc hơn được. Nhưng dù sao, so với cùng kỳ năm ngoái, thì công nghiệp chế biến tăng trưởng cao cho bức tranh chuyển biến tốt hơn.

 

 

Ông khẳng định xu thế kinh tế là tốt lên, nhưng có thực tế là dù lãi suất đã giảm xuống khá thấp, nhưng các ngân hàng vẫn không cho vay ra được. Ông hiểu điều này như thế nào?

 

Rất nhiều nhà kinh tế đang đồng nhất chuyện tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tăng trưởng tín dụng. Nhưng nền kinh tế Việt Nam không hẳn phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng. Nhớ lại thời điểm 2009-2010, lúc đó tín dụng cho vay cực kỳ thấp, chỉ hơn 3% thôi mà người ta cũng không vay.

Theo quy luật kinh tế khi lãi suất thấp thì người ta vay, nhưng thực ra không hẳn như vậy, đặc biệt là với khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam, cho vay tín dụng tăng không phải là điều kiện cần đối với tăng trưởng kinh tế. Vay ngân hàng chỉ là 1 kênh để người ta có vốn đầu tư thôi.

Hiện nay mỗi năm có cả chục tỷ đô la Mỹ kiều hối chuyển về, nằm trong dân. Chắc gì họ đã gửi vào ngân hàng, để ngân hàng cho các doanh nghiệp tư nhân vay. Nhiều nhà kinh tế hỏi nguồn đâu ra mà Tổng cục Thống kê công bố vốn đầu tư cao như thế. Chúng tôi tính ra tỷ lệ để dành trong nền kinh tế lên tới 28% GDP, đây là nguồn lớn cho đầu tư.

 

 

Tóm lại xu thế phục hồi kinh tế đã rõ ràng hơn so với quý 1 hai năm trước đây chưa, thưa ông?

 

Như tôi đã nói, lẽ ra phải loại trừ được yếu tố mùa vụ, để xem quý 1 năm nay tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm so với quý 4 năm ngoái, thì mới khẳng định rõ. Các quốc gia phát triển họ làm được điều này. Việt Nam chưa loại trừ được yếu tố mùa vụ, nên chỉ so quý 1 năm nay với quý 1 năm trước. Đây là điểm yếu mà thống kê chưa khắc phục được. Chúng tôi cần thêm thời gian, và công nghệ.

Tuy nhiên, nếu chỉ so quý 1 năm nay với quý 1 các năm trước đây, thì hoàn toàn có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng kinh tế quý 1 năm nay là 4,96%, cao hơn 4,76% của quý 1 năm 2013, và 4,75% của quý 1 năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2011 và 2010.

Về xuất, nhập khẩu trong quý 1 năm nay, trong vòng 5 năm trở lại đây, lần đầu tiên trị giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của quý 1 cao hơn giá trị GDP của cùng quý. Độ mở của nền kinh tế quý 1 tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, từ mức 155,6% của quý 1/2010 tăng lên 194,3% trong quý 1/2014 (Nếu không kể xuất, nhập khẩu dịch vụ, độ mở nền kinh tế quý I/2010 là 139,4%, tăng lên 177,4% trong quý I/2014). Chỉ tiêu này cho thấy, nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. Đây là điều đặc biệt của kinh tế quý 1 năm nay.

 

 

Nhưng, nhiều nhà kinh tế cho rằng, chỉ có khu vực FDI hưởng lợi từ xuất khẩu thôi, trong khi doanh nghiệp trong nước chẳng được hưởng lợi nhiều. Chẳng hạn ngành công nghiệp khai khoáng còn giảm 2,9%. Ông nghĩ như thế nào?

 

Đứng trên góc độ sản xuất của nền kinh tế, thì không nên phân biệt FDI hay không phải FDI. Khi nói về GDP thì không nên phân biệt thành phần kinh tế, khi nói về sở hữu mới nên phân biệt. Tất cả các hoạt động sản xuất diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam thì đó là sản xuất của Việt Nam. Thực thế là chúng ta đang động viên, kêu gọi FDI. Chỉ có điều, các nhà kinh tế cảnh báo cũng đúng, vì sẽ có chính sách giúp cho các khu vực không phải FDI phát triển.

(Theo Trang TTĐT Thời báo Ngân hàng)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,111
  • Tháng hiện tại40,789
  • Tổng lượt truy cập1,424,573
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây