Kết quả điều tra trang trại năm 2012

Thứ tư - 15/08/2012 21:35 111 0

Kết quả điều tra trang trại năm 2012

Kinh tế trang trại ở Tây Ninh tiếp tục có xu hướng phát triển tốt, số lượng trang trại trồng trọt tăng khá nhanh, nhất là các trang trại trồng cao su. Tình hình sử dụng lao động và sản lượng hàng hoá bán ra ở các trang trại đều tăng khá, tuy nhiên, giá trị hàng hóa lại không bằng năm trước nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng giá cao su giảm sút mạnh trong năm qua.

 

     Thực hiện Quyết định số 285/QĐ-TCTK ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Tổng cục Thống kê về việc Ban hành Phương án điều tra trang trại năm 2012. Ngày 19 tháng 6 năm 2012, Cục Thống kê Tây Ninh đã triển khai tổ chức thực hiện cuộc điều tra trang trại năm 2012 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Để chuẩn bị cho công tác điều tra, từ ngày 20/6 đến 30/6/2012 các Chi cục Thống kê huyện, thị xã phối hợp cùng UBND xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thực hiện việc rà soát, lập bảng kê danh sách các trang trại đủ tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện có trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn.
Căn cứ trên danh sách bảng kê trang trại được thiết lập, từ ngày 1/7 đến ngày 15/7/2012, điều tra viên thống kê ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tiến hành điều tra thu thập thông tin tại đơn vị điều tra. Điều tra viên đến từng trang trại gặp chủ trang trại hoặc người quản lý trang trại để thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh của trang trại. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong các khâu của công tác điều tra. Do chưa được tuyên truyền đầy đủ, nên rất nhiều chủ trang trại né tránh trong việc tiếp xúc và cung cấp thông tin cho ĐTV do tâm lý e ngại nhà nước kê khai để thu thuế,  mặt  khác đa số các chủ trang trại đều ở các địa phương khác đến xâm canh nên việc gặp gỡ và thu thập rất khó khăn. Tuy nhiên, do được điều tra viên, chính quyền địa phương giải thích, thuyết phục nên nhiều chủ trang trại  sau khi thông hiểu và nhận thức đúng mục đích, ý nghỉa cuộc điều tra đã chấp hành tốt, cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo cuộc điều tra hoàn thành đúng thời gian quy định. Kết quả tổng hợp sơ bộ như sau:
Đến thời điểm 1/7/2012, trên địa bàn tỉnh hiện có 987 trang trại tăng 131 trang trại  so cùng kỳ năm trước. Số trang trại tăng  chủ yếu là trang trại trồng trọt (123 trang trại). Trang trại phát triển nhanh và mạnh nhất tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh là  huyện Tân Biên (tăng 49 trang trại) và huyện Tân Châu ( tăng 38 trang trại). Đây là các huyện có nhiều đất đai, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây cao su. Diện tích đất các trang trại trồng trọt sử dụng vào sản xuất chiếm 98,83% so tổng diện tích các trang trại toàn tỉnh đang sử dụng.
Lĩnh vực sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các trang trại trồng cây hàng năm, nguyên nhân do tách thửa, chia thừa kế nên không đủ tiêu chí trang trại, mặt khác,  nhiều trang trại chuyển đổi sang trang trại cây lâu năm có hiệu quả hơn. Tỷ trọng trang trại trồng trọt chiếm 94,93%, trang trại lâm nghiệp chiếm 0,20%, trang trạichăn nuôi chiếm 4,26%, trang trại nuôi trồng thuỷ sản chiếm 0,61%.
Đến thời điểm 1/7/2012, các trang trại  trong tỉnh đã sử dụng 17.771 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 9,35% so năm 2011. Trong đó: Đất trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất (98,83%), các loại đất khác chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, như: đất lâm nghiệp chiếm 0,68%, đất dùng vào chăn nuôi chiếm 0,37% và đất nuôi trồng thuỷ sản chiếm 0,14 %. Bình quân 1 trang trại của tỉnh sử dụng 18,01 ha đất các loại tăng 71,52%so cùng kỳ năm trước.  Diện tích đất của trang trại ở các huyện sử dụng bình quân như sau: Tân Biên 19,74 ha, Tân Châu 19,31 ha, Châu Thành 17,46 ha, Gò Dầu 12,01 ha, Dương Minh Châu 8,79 ha ... Trang trại sử dụng đất bình quân cao chủ yếu là trồng cây lâu năm do đặc điểm đất đai của trang trại là có quy mô lớn, thuận lợi cho việc chăm sóc, vận chuyển sản phẩm bằng phương tiện cơ giới, thuỷ lợi và kết cấu hạ tầng.
Về lao động, các trang trại của tỉnh đã sử dụng 8.123 lao động thường xuyên tăng  1.033 lao động  so cùng kỳ năm trước, trong đó lao động của chủ trang trại là 1.683 lao động chiếm 20,72%, còn lại là lao động thuê mướn chiếm 79,28%. Quy mô lao động bình quân mỗi  trang trại  đạt 8,27 lao động  thường xuyên, trong đó trang trại trồng trọt sử dụng 8,39 lao động , trang trại thủy sản sử dụng 7 lao động , còn lại 4,46% các trang trại khác sử dụng từ 4- 5 lao động  thường xuyên. Do tính chất thời vụ của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên ngoài lao động thường xuyên, các trang trại còn thuê mướn lao động thời vụ (vào thời điểm cao nhất) 10.938 lao động. Các trang trại trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi sử dụng nhiều lao động thường xuyên hơn so với trang trại lâm nghiệp.
Chất lượng lao động trang trại của tỉnh, nhìn chung còn thấp, đa số lao động làm việc trong các trang trại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Một số ít lao động đảm nhiệm các khâu có yêu cầu trình độ kỹ thuật như điều khiển máy móc, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... mới được đào tạo nhưng cũng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đây là một yêu cầu bức xúc trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn đáp ứng cho yêu cầu phát triển ở khu vực nông thôn.
Kết quả sản xuất kinh doanh trang trại cho thấy, do đa số trang trại ở Tây Ninh là trang trại trồng cao su, do vậy giá trị hàng hoá chịu tác động mạnh của việc giá cao su giảm liên tục trong năm qua, từ trên 90 triệu đồng/tấn năm 2011 xuống còn  khoản 50 triệu đồng/tấn trong năm nay. Do vậy, mặc dù sản lượng vẫn tăng, nhưng tổng thu từ sản xuất, kinh doanh của trang trại năm 2012 trên địa bàn tỉnh không bằng năm trước, đạt 1.968 tỉ đồng bằng 90,57% năm 2011.
Hầu hết sản phẩm trang trại đều được tiêu thụ ở thị trường, giá trị sản phẩm và dịch vu nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra của các trang trại đạt 1.955 tỉ đồng, bình quân 1.980,60 triệu đồng/ trang trại,  giảm 10,02% so với năm 2011. Tỷ suất hàng hóa  các trang trại toàn tỉnh đạt  99,32%, các huyện có tỷ suất hàng hóa cao là: Tân Châu, Châu Thành, Hòa Thành Gò Dầu do chủ yếu tập trung kinh doanh ở lĩnh vực trồng trọt và lâm nghiệp, thấp nhất thị xã Tây Ninh và huyện  Dương Minh Châu do các trang trại ở đây kinh doanh chủ yếu là Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chênh lệch rất nhiều giữa các lĩnh vực sản xuất. Trang trại nuôi trồng thủy sản có giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp thủy sản bán ra trong năm lớn nhất với 6.072,5 triệu đồng/1 trang trại, tiếp đến là trang trại chăn nuôi 4.780,5 triệu đồng/1 trang trại và thấp nhất là trang trại lâm nghiệp 752,5 triệu đồng/ 1 trang trại, chỉ bằng 1/8 so với trang trại nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của trang trại chủ yếu để bán nên các trang trại có tỷ suất hàng hóa cao, cao nhất là trang trại trồng trọt, trang trại lâm nghiệp đạt 100,00%.
          Từ kết quả điều tra cho thấy,sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng nâng dần quy mô. Loại hình kinh tế trang trại tiếp tục  ổn định và ngày càng phát triển, trong đó xu hướng tăng mạnh ở các trang trại trồng trọt, chủ yếu trồng cao su. Tuy nhiên, trong năm 2012 do giá cả một số mặt hàng chủ lực giảm mạnh (cao su, lợn, gia cầm), đã có ảnh hưởng lớn đến phát triển loại hình kinh tế mới này Mặc dù vậy, có thể thấy về quy mô và chất lượng đầu tư cũng như tiềm năng loại hình kinh tế này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, khi giá cả ổn định và có hướng tăng thì tiềm năng ở lĩnh vực này còn khả năng phát triển hơn nữa.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay1,270
  • Tháng hiện tại40,948
  • Tổng lượt truy cập1,424,732
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây