Vị trí doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Tây Ninh

Thứ tư - 26/09/2012 22:35 231 0

Vị trí doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Tây Ninh

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là loại hình kinh tế không chỉ riêng Tây Ninh mà cả nước rất quan tâm; những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được Nhà Nước tạo điều kiện thuận lợi. Giai đoạn 2006-2010, ở Tây Ninh tốc độ tăng bình quân 14%/năm về số lượng doanh nghiệp và tăng 9,33% về vốn đăng ký của khu vực này, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh, đảm bảo nhịp độ phát triển kinh tế chung của địa phương.

 

Sợi Thế Kỷ tổ chức lễ khánh thành nhà máy thứ hai tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh với công suất thiết kế 11.000 tấn sợi POY/DTY mỗi năm  (từ: vnexpress)
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là đầu mối và cũng là cửa ngõ giao thông quan trọng vào Campuchia và các nước Asean với hệ thống giao thông huyết mạch: đường xuyên á, quốc lộ 22, quốc lộ 22B… đây là điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Tây Ninh hiện có 8 khu công nghiệp đã được Chính Phủ cho phép thành lập trong đó có 4 KCN được thành lập và đi vào hoạt động gồm: KCN Trảng Bàng (190 ha), KCN & KCX Linh Trung III (203 ha), KCN Bourbon – An Hòa (760 ha), Khu Liên hiệp Công Nghiệp - Đô Thị - Dịch Vụ Phước Đông - Bời Lời (2190 ha) và các Cụm Công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu nằm rải rác khắp các huyện thị trong tỉnh như: Cụm Công nghiệp Thanh Điền, Cụm Công nghiệp Chà Là, Cụm Công Nghiệp Tân Hội, Cụm Công Nghiệp Tân Thanh Xuân, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát….
Kinh tế Tây Ninh trong những năm gần đây có bước tăng trưởng khá, duy trì ổn định trong nhiều năm liên tục, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 14,14%, năm 2011 là 14% trong đó doanh nghiệp là loại hình kinh tế năng động có sự đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế địa phương đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là nhân tố tích cực, đa dạng sản phẩm và có tốc độ tăng khá nhanh về số lượng và quy mô.
Số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân hàng năm 17,7%. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2011, số lượng doanh nghiệp có đến 31/12/2010 thực tế đang hoạt động trong các ngành và thành phần kinh tế là 1940 doanh nghiệp, là tỉnh có số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn so với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ chỉ cao hơn Bình Phước 1360 doanh nghiệp. Qua 5 năm, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp bình quân của Tây Ninh là thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực (+17,7%/năm), cao nhất là Thành Phố Hồ Chí Minh với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,18%/năm. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đây là loại hình kinh tế không chỉ riêng Tây Ninh mà cả nước rất quan tâm; những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được Nhà Nước tạo điều kiện thuận lợi. Giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng bình quân 14%/năm về số lượng doanh nghiệp và tăng 9,33% về vốn đăng ký. Riêng năm 2011, Tây Ninh chỉ có 7 dự án được cấp phép mới thấp nhất vùng nhưng số vốn đăng ký đạt 538 triệu USD, bình quân 1 doanh nghiệp là 77 triệu USD cao nhất so các tỉnh trong vùng và xếp thứ 9 cả nước.
 Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 136 doanh nghiệp FDI thực tế đang hoạt động chiếm tỷ trọng trên 7% so với tổng số doanh nghiệp; mặc dù chiếm tỷ lệ còn thấp về số lượng doanh nghiệp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng lao động chiếm đến 54,09% tổng số lao động và giá trị tài sản chiếm đến 31,14%. Chứng tỏ doanh nghiệp FDI là loại hình doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong sự đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách của tỉnh nhà. Giá trị sản xuất khu vực này năm 2011 chiếm 18,02% giá trị sản xuất của tỉnh và chiếm 45,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Trong tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có đến 90% là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tập trung vào 3 ngành công nghiệp chủ yếu chiếm tỉ lệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh là: dệt, may chiếm 11,82 % về giá trị; sản xuất và chế biến thực phẩm chiếm 8,43 %; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic chiếm 7,04%; còn lại là các ngành sản xuất sơ chế da và sản phẩm da thuộc như valy, túi xách, giày dép các loại, sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất hóa chất các loại, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất giường, tủ, bàn ghế và ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác như sản xuất banh thể thao, sản xuất đèn cầy, hộp quẹt gas, sản xuất và gia công nữ trang vàng bạc đá quý, sản xuất dụng cụ thể thao, đồ chơi trẻ em….chiếm 17,91% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Kho bãi cảng KCN Buorbon An Hòa
 
Các doanh nghiệp dệt may (chủ yếu là gia công hàng may mặc) thu hút rất nhiều lao động mặc dù chiếm 7,36% số lượng doanh nghiệp công nghiệp nhưng chiếm đến 39,12% số lượng lao động của doanh nghiệp công nghiệp toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở KCN Trảng Bàng, KCN&KCX Linh Trung III tọa lạc tại ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Đây là xã giáp ranh Củ Chi - Thành Phố Hồ Chí Minh nên thuận tiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh lân cận và xuất khẩu ra nước ngoài. Dệt may còn là ngành công nghiệp thế mạnh với kim ngạch xuất khẩu đứng đầu tỉnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may năm 2010 đạt 284,42 triệu USD chiếm 31,39% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đa số các dự án đầu tư ngành này là của chủ đầu tư và tập đoàn các nước Châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia…
 Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng hàng thứ hai sau hàng dệt may, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 685 tỷ đồng chiếm 3,91% số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp và chiếm 5,59% số lượng lao động gồm nhiều chủng loại sản phẩm như: vỏ ruột xe đạp, xe gắn máy, xe ôtô, bao bì các loại… Đây là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ phát triển và đóng góp nguồn doanh thu cho nền kinh tế của tỉnh bởi có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Tây Ninh là tỉnh có diện tích cây cao su quy mô lớn. Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 77.812 ha đất trồng cây cao su, sản lượng khai thác đạt bình quân trên 120 ngàn tấn mủ mỗi năm, năng suất cây trồng đã được tăng lên từ 1,78 tấn mủ/ha năm 2005 lên 2,12 tấn năm 2010. Nhìn chung, nguồn nguyên liệu tại địa phương, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng lớn là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này.
 Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm tập trung chủ yếu ở ngành chế biến đường và chế biến tinh bột khoai mì chiếm 1,15% số lượng doanh nghiệp công nghiệp toàn tỉnh và chiếm 1,83% số lượng lao động. Tây Ninh là tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất tinh bột khoai mì. Trong những năm qua, tinh bột khoai mì Tây Ninh được tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu đi các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Singapo, Malaysia, Philippin, Indônêxia, Campuchia…. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tinh bột khoai mì trên thị trường thế giới ngày càng tăng do công năng của loại sản phẩm này ngày càng rộng rãi. Tinh bột khoai mì là sản phẩm trung gian, là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp chế biến như: công nghiệp chế biến thực phẩm (sản xuất mạch nha, bánh kẹo, sản xuất bột ngọt…), công nghiệp dệt, công nghiệp sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất bao bì plastic tự hoại, sản xuất ván ép, sản xuất bột giặt…
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài các ngành khác chiếm tỷ trọng rất thấp (10%) trong tổng số doanh nghiệp FDI của tỉnh chủ yếu tập trung ở các ngành: nông nghiệp, kinh doanh bất động sản và dịch vụ khác với số lao động chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,1% số lao động doanh nghiệp toàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ thấp, khả năng khó phát triển.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI năm 2008 đóng góp 19,21% trong tổng giá trị sản xuất của tỉnh, năm 2009 là 19,98%, năm 2010 là 20,47%, năm 2011 là 18,02%.
Giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh qua các năm thể hiện sự đóng góp tích cực của khu vực này vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cụ thể, năm 2006 đóng góp 46,87% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, năm 2007 là 48,75%, năm 2008 là 50,84%, năm 2009 là 46,17%, năm 2010 là 45,18%. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2006 chiếm 7,71%, năm 2007 là 7,78%, năm 2008 là 7,16%, năm 2009 là 6,68%, năm 2010 là 6,29%. Doanh nghiệp công nghiệp FDI thu hút một số lượng lao động lớn nhất; cụ thể, năm 2006 lao động khu vực này chiếm 49,32% tổng số lao động của doanh nghiệp toàn tỉnh, năm 2007 là 52,03%, năm 2008 là 54,71%, năm 2009 là 51,89%, năm 2010 là 52,98%. Trong đó, lao động tập trung nhiều nhất là ngành sản xuất hàng dệt may (thu hút trên 20.000 lao động chiếm 26,14% lao động của doanh nghiệp toàn tỉnh), kế đến là lao động ngành sản xuất các sản phẩm da thuộc và sơ chế da với gần 8.000 lao động chiếm 9,14% chủ yếu là lao động ngành sản xuất và gia công giày thể thao các loại.
Mặc dù bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có những khó khăn và thách thức đan xen nhưng số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định và ngày càng phát triển. Việc hình thành và hoạt động của các khu công nghiệp đã góp phần thu hút đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Nhìn chung, giá trị sản xuất của doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh chiếm một tỉ trọng khá lớn (20,47%) nhưng chỉ mới phát triển về chiều rộng, chưa phát triển về chiều sâu, hầu hết các dự án đầu tư vào Tây Ninh là dự án sản xuất những mặt hàng gia công nên giá trị sản xuất chưa cao. 
Với điều kiện thuận lợi về vị trí dất đai, nhưng cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng, ảnh hưởng của kinh tế thế giới và trong nước nên các năm qua số lượng doanh nghiệp FDI tăng không nhiều, chậm hơn các tỉnh trong khu vực. Bình quân hàng năm có khoảng 10 doanh nghiệp FDI mới gia nhập vào hệ thống sản xuất công nghiệp của tỉnh, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn. Tuy nhiên, tốc độ tăng của các doanh nghiệp FDI trong những năm gần đây có chậm trở lại, từ 14 % giai đoạn 2006-2010 xuống còn 9,3% giai đoạn 2007-2010 là một nghịch lý trong khi chủ trương của Đảng và chính quyền địa phương “đang trải thảm” thu hút đầu tư nước ngoài.
Như vậy, để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, Tây Ninh cần tập trung hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển và thu hút nguồn nhân lực có chất xám về làm việc tại tỉnh, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp để thu hút những dự án đầu tư, không chỉ là dự án có vốn đầu tư nước ngoài mà cả các dự án trong nước vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, sản xuất các dụng cụ cơ khí chính xác; chuyển mạnh từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tăng tính cạnh tranh
            Hoàng thị Thu Hiền
 (phòng Thống kê Công Thương)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay779
  • Tháng hiện tại27,409
  • Tổng lượt truy cập1,508,868
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây