Trong những năm qua Tây Ninh đã tiến hành quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cũng như khai thác lợi thế so sánh các vùng sinh thái, phát triển các loại cây thế mạnh riêng của từng địa phương trong tỉnh. Từ đó đã định hình các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn với các loại cây trồng chủ đạo như lúa, mì, mía. Do những thuận lợi về vị trí địa lý nên tỉnh Tây Ninh thường ít bị thiệt hại do bão, lũ gây ra. Tuy nhiên, tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan đối với sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi. Do tác động của yếu tố thời tiết nên tình hình sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân 2016-2017 phần nào bị ảnh hưởng đến diện tích, năng suất cây trồng.
Tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp hàng năm vụ Đông xuân 2016-2017 toàn tỉnh thực hiện được 139.086,61 ha, so với vụ Đông xuân 2015-2016 giảm 0,97% (-1.364,02 ha). Trong đó cây trồng trong vụ thu hoạch trong năm 67.545,56 ha, chiếm 48,56% tổng diện tích gieo trồng, so với cùng kỳ tăng 2,53% (+1.663,75 ha); cây trồng trong vụ thu hoạch năm sau 71.541,05 ha, chiếm 51,44% tổng diện tích gieo trồng, so với cùng kỳ bằng 95,94% (-3.027,77 ha), nguyên nhân, diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm nay giảm do ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất thường, một số diện tích cây trồng xuống giống bị ngập, mặt khác do năm 2016 mưa kết thúc muộn nên một số diện tích đất thấp người dân chờ hết mưa để xuống giống mì nhưng số diện tích này không thể trồng mì và cũng không chuyển đổi sang trồng lúa hoặc cây trồng khác được. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
- Diện tích cây lúa gieo trồng trong vụ thực hiện 44.586,17 ha, tăng 3,17% so với cùng kỳ (+1.369,42 ha). Diện tích lúa những năm gần đây thường xuyên biến động và có xu hướng giảm nguyên nhân do chuyển đổi cây trồng, nhiều diện tích lúa chuyển sang trồng mì và một số cây trồng khác có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do năm 2016 mưa kết thúc trễ và trong những tháng đầu năm 2017 có những cơn mưa lớn trái mùa nên một số diện tích trồng mì không được phải chuyển sang trồng lúa. Lúa vụ Đông xuân thường có năng suất cao hơn các vụ khác trong năm, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng bởi thời tiết mưa, giông gió làm ngã đổ một số diện tích lúa giai đoạn cuối thời kỳ chín, nên năng suất lúa trong vụ đạt 57,88 tạ/ha, so với cùng kỳ giảm 0,19% (-0,11 tạ/ha), với sản lượng lúa thu được trong vụ đạt 258.056,55 tấn, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 2,98% (+7.456,10 tấn).
- Cây mì diện tích thực hiện 55.940,30 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 9,24% (-5.696,30 ha), diện tích mì trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu với diện tích 50.317,20 ha, chiếm 89,95% diện tích mì toàn tỉnh. Với đặc thù là cây dễ trồng, ít kén đất, đầu tư thấp phù hợp với kinh tế nông hộ nên cây mì phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên vụ Đông xuân năm nay diện tích gieo trồng cây mì lại giảm mạnh do cuối năm trước và đầu năm nay giá thấp, tình hình thời tiết bất thường, mưa lớn những tháng cuối năm 2016 và trong những tháng đầu năm 2017, một số diện tích trồng mì chuyển sang trồng lúa, đồng thời cây mì bị bệnh thối cổ rễ và một số bệnh khác làm giảm năng suất, nên người dân chuyển đổi sang trồng rau màu, đậu, mía như ở một vài xã của huyện Tân Châu…nhằm để cải tạo đất. Bên cạnh đó, do trong vụ thời tiết mưa nhiều, nước lòng hồ Dầu Tiếng rút chậm nên một số diện tích vùng bán ngập không xuống giống được, đồng thời có một số diện tích năm trước trồng bị sâu bệnh nên người dân không xuống giống. Mặt khác có một số diện tích mì người dân trồng xen trên đất rừng của Ban quản lý Hồ Dầu Tiếng, trồng xen trong đất cao su giảm do cây rừng đã phát tán, cao su lớn không trồng xen nữa, cũng như một số diện tích đất thấp người dân chờ hết mưa để xuống giống mì nhưng do năm 2016 mưa kết thúc muộn, số diện tích này không thể trồng mì được. Diện tích mì giảm mạnh nhất là huyện Tân Châu (-1.978,75 ha), kế đến là huyện Tân Biên (-1.554,0 ha) và huyện Châu Thành (-1.337,75 ha). Đến ngày 10/4/2017 một số diện tích đất bán ngập ở xã Suối Dây nước vẫn chưa rút.
(Kiểm tra diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2016-2017 tại xã Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh)
Do nhiều yếu tố bất lợi như tình hình thời tiết năm 2016 mưa kết thúc muộn và những tháng đầu năm 2017 lại có những cơn mưa lớn trái mùa, đã làm một số diện tích bị ngập, giá cả xuống thấp, bệnh thối cổ rễ phát triển làm ảnh hưởng năng suất cây mì; năng suất bình quân trong vụ đạt 325,31 tạ/ha, giảm 0,93% (-3,07 tấn/ha) so với cùng kỳ năm trước.
- Diện tích mía gieo trồng trong vụ thực hiện 15.600,75 ha, so với cùng kỳ tăng 20,63% (+2.668,53 ha), diện tích mía trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên và Dương Minh Châu với diện tích 13.923,90 ha, chiếm 89,25% diện tích mía toàn tỉnh. Năm 2016 giá mía tăng, cây mì xuống giá, thời tiết mưa kết thúc muộn nên một số diện tích mì chuyển sang trồng mía. Mặt khác, để phát triển ổn định diện tích cây mía, các nhà máy đã có nhiều chính sách như: hỗ trợ chi phí cải tạo cơ sở hạ tầng, phá bờ lô tạo cánh đồng lớn, đầu tư máy móc thiết bị để thay đổi phương thức canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, thực hiện cơ giới hóa, đầu tư hỗ trợ vốn, xây dựng cơ cấu bộ giống và vụ trồng v.v... Các nhà máy chế biến đường cũng đẩy mạnh quá trình chuyển giao cơ giới hoá khâu làm đất, trồng, chăm sóc mía, cải thiện năng suất và sản lượng chế biến phù hợp với tình hình thu hoạch mía của nông dân; các nông trường mía của các nhà máy áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến nên năng suất mía thực hiện đạt 773,78 tạ/ha, tăng so với năm trước 2,69% (+20,26 tạ/ha). Do diện tích và năng suất đều tăng nên sản lượng mía đạt 1.207.153,11 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 23,88% (+232.687 tấn).
- Diện tích cây thuốc lá gieo trồng trong vụ thực hiện 1.547,40 ha, so cùng kỳ giảm 10,90% (-189,30 ha), diện tích thuốc lá trồng chủ yếu ở các huyện Bến Cầu, Châu Thành, Trảng Bàng với diện tích 1.442,4 ha, chiếm 93,21% diện tích thuốc lá toàn tỉnh. Do nguồn cung thuốc lá vượt cầu nên năm nay một số công ty như: công ty cổ phần Hòa Việt Tây Ninh, công ty TNHH thuốc lá Hữu Nghị…cắt hợp đồng, thu hẹp diện tích, giảm tiền đầu tư cho nông dân trồng thuốc lá dẫn đến diện tích thuốc lá giảm mạnh. Do vào đầu vụ có sương mù dẫn đến cây thuốc lá bị xoắn đọt, tuy được đầu tư chăm sóc tốt nhưng năng suất trong vụ vẫn không tăng so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch thực hiện đạt 23,13 tạ/ha, so với cùng kỳ giảm 3,00% (-0,72 tạ/ha). Sản lượng thu hoạch đạt 3.578,93 tấn, so với cùng kỳ giảm 13,57% (-562,08 tấn).
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và môi trường toàn cầu. Do những thuận lợi về vị trí địa lý và hệ thống kênh mương thủy lợi của Tỉnh đã được bê tông hóa đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu nên tác động của biến đổi khí hậu đối với Tây Ninh không nhiều, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp hàng năm vẫn được duy trì so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết đã làm thay đổi cơ cấu diện tích các cây trồng trọng điểm trong vụ, ảnh hưởng phần nào đến năng suất các loại cây trồng. Để đảm bảo tình hình sản xuất nông nghiệp được phát triển ổn định, Chính quyền tỉnh Tây Ninh cần xây kế hoạch chủ động ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tối đa những tác hại do thời tiết cực đoan gây ra.
Tin : Võ Trung Hiếu - TKV phòng Nông nghiệp, CTK
Ý kiến bạn đọc