SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 10 THÁNG NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID 19

Thứ ba - 26/10/2021 21:00 212 0

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP 10 THÁNG NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID 19

            Hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2021 có phần sụt giảm so 10 tháng năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát phát lần thứ 4 tại Việt Nam và hiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam trong đó có Tây Ninh. Để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 17/7/2021 cho đến ngày 12/9/2021. Việc thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giao thương, đi lại. Ngoài ra, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong các trong các KCN, KCX, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp, các đối tượng không tham gia thực hiện “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp phải bố trí xe ô tô đưa rước tập trung, không để công nhân đi xe cá nhân, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu phải tạm dừng hoạt động. Do đó, sản xuất của doanh nghiệp trong quý 3/2021 sụt giảm nghiêm trọng, giảm 26,7% so cùng kỳ; tháng 10 sản xuất cơ bản phục hồi, tăng trưởng cao so với tháng 9, tuy vậy vẫn giảm 3,64% so với cùng kỳ, làm cho chỉ số sản xuất 10T/2021 cũng chỉ đạt 98,83% so với 10T/2020. Diễn biến cụ thể tình hình hình sản xuất công nghiệp tháng 10 và 10 tháng trên địa bàn tỉnh như sau:

            Chỉ số sản xuất tháng 10/2021 so với tháng 9/2021 tăng 41,51%, nguyên nhân do 12 ngày đầu của tháng 9, tỉnh vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất vì không đảm bảo điều kiện để áp dụng biện pháp 3 tại chỗ. Từ ngày 12/9/2021, mặc dù tỉnh đã chuyển sang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, và tỉnh cũng ban hành Phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 (Quyết định số 2104/QĐ-UBND ngày 03/9/2021 của UBND tỉnh Tây Ninh) nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể quay lại sản xuất ngay, vì vậy khối lượng sản xuất trong tháng 9 vẫn còn ở mức thấp, cụ thể:

            Nhóm các ngành có chỉ số sản xuất tăng cao hơn mức tăng bình quân chung bao gồm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2.513,79%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 309,14%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 254,61%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 131,09%; sản xuất trang phục tăng 127,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 121,03%; khai khoáng khác tăng 88,42%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 47,87%. Nguyên nhân những ngành này tăng cao là do trong thời gian nghỉ giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện 3 tại chỗ tạm dừng hoạt động, đến cuối tháng 9 mới bắt đầu hoạt động lại, do chỉ sản xuất vài ngày nên khối lượng sản xuất trong tháng 9 ít, đo đó chỉ số sản xuất tháng 10 tăng cao so tháng 9.

           Nhóm các ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hơn mức tăng bình quân chung bao gồm: sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 38,94%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 35,64%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 27,95%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 22,92%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,36%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 16,62%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,98%; công nghiệp dệt tăng 13,09%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,02%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,12% trong đó chế biến và bảo quản rau quả tăng 4,42% (chủ yếu là hạt điều) vì doanh nghiệp xuất khẩu được nên tăng khối lượng sản xuất, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột (chủ yếu là bột mì) cũng tăng 18,82% so tháng trước; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,06%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,48% chủ yếu do điện thương phẩm tăng (+17,54%) vì nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất tăng lên; sản xuất kim loại tăng 0,56%.

Biểu đồ chỉ số phát triển công nghiệp phân theo ngành cấp 2

            Chỉ số sản xuất tháng 10/2021 so với tháng 10/2020, bên cạnh một số ngành tăng thì nhiều ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 54,52%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 43,38%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 42,72% do xuất khẩu khó khăn; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 32,07% vì doanh nghiệp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và không tuyển được lao động theo yêu cầu; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 30,94% do doanh nghiệp vẫn đang tạm dừng sản xuất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 28,41%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 28,23% do thiếu lao động; khai khoáng khác giảm 21,8%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 16,77%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,1% do đa số doanh nghiệp ngành này có nhiều lao động nên khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng như sắp xếp về điều kiện làm việc cho người lao động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch; sản xuất trang phục giảm 6,93%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 6,44% trong đó, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột giảm 3,58%, sản xuất đường giảm 18,2% do nhà máy tạm dừng sản xuất vài ngày để bảo trí máy móc, thiết bị; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 6,31%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2,39%;

            Ngược lại, một số ngành có chỉ số tăng so tháng 10/2020, bao gồm: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 139,26% do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng dung dịch sát khuẩn vẫn đang cao nên doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất ở mức công suất tối đa; sản xuất kim loại tăng 18,34%; công nghiệp dệt tăng 11,54%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,17%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,34%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,68%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,64%;

Biểu đồ chỉ số phát triển công nghiệp phân theo ngành cấp 2

           Chỉ số cộng dồn 10 tháng so cùng kỳ giảm 1,17% trong đó:

           Nhóm ngành khai khoáng có lũy kế so cùng kỳ giảm 23,94% một phần do chủ trương thắt chặt tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản của UBND tỉnh từ nhiều năm nay vẫn chưa được nới lỏng. Mặt khác, do nhu cầu giảm vì ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và vận chuyển khó khăn nên doanh nghiệp cắt giảm đáng kể khối lượng khai thác.

           Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,43% tập trung ở các ngành: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm mạnh nhất (-51,4%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 43%; chế biến gỗ và sản xuất các mặt hàng từ gỗ, tre, nứa giảm 26,78%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 15,05%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 14,98% trong đó, sản xuất đưởng giảm mạnh nhất (-32,49%) do năm nay ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhà máy kết thúc vụ từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021mới hoạt động lại nhưng trong cuối tháng 9/2021 và  đầu tháng 10/2021 tiếp tục ngưng để bảo trì máy móc, thiết bị trong khi năm 2020 sản xuất liên tục không theo mùa vụ như các năm trước từ nguyên liệu đường thô, cộng thêm việc phát triển thêm sản phẩm mới với mức tiêu thụ mạnh sang thị trường Campuchia (sản xuất đường lỏng), nhà máy chỉ ngưng trong tháng 8/2020 để bảo trí máy móc/thiết bị, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột giảm 10,28%, chế biến hạt điều giảm 6,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 7,31%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,66%.

           Tuy nhiên, nhờ có sự gia tăng mạnh của một số ngành đã giữ cho tốc độ của 10 tháng so cùng kỳ không giảm sâu như: sản xuất kim loại tăng 35,16% do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tăng cao; in, sao chép bản ghi các loại tăng 20,82% vì sản lượng in vé số tăng trong các tháng 4,5,6, in ấn các tài liệu phục vụ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và in ấn các ấn phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,71% vì nhu cầu sử dụng tăng; sản xuất trang phục tăng 14,25%; công nghiệp dệt tăng 11,04% trong đó sản xuất sợi tăng 12,49%, sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác tăng 9,12%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,56% do nhu cầu sử dụng các mặt hàng gia dụng tăng.

          Nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 7,65% so cùng kỳ. Nguyên nhân ngành điện tăng ít so cùng kỳ mặc dù thời tiết thuận lợi, nắng nóng nhiều và doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng do bị điều tiết cắt giảm sản lượng vào thời gian thấp điểm (từ 10h đến 14h hằng ngày) do dư thừa nguồn cung điện mặt trời vào thời điểm trưa và quá tải đường dây 500 KV Bắc-Nam; mặt khác, do lượng điện thương phẩm giảm mạnh trong tháng 8,9 đặc biệt là điện dùng cho sản xuất giảm mạnh vì nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

         Hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tái chế phế liệu giảm 8,3% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,78%, thoát nước và xử lý nước thải tăng 9,66%; riêng hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 25,9%, một phần do tình hình dịch Covid -19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, phần vì sản phẩm tiêu thụ chậm do nhiều khách hàng tạm ngừng sản xuất vì dịch bệnh nên không có nhu cầu sử dụng nhiên liệu của đơn vị, do đó doanh nghiệp phải cắt giảm khối lượng sản xuất.

Biểu đồ chỉ số phát triển công nghiệp phân theo ngành cấp 2

            Mặc dù thời gian qua, cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp đã rất nỗ lực thực hiện phương án 3 tại chỗ để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, phương án này chỉ là giải pháp tình thế, khó áp dụng trong thời gian dài, một phần là từ phía người lao động không thể đồng hành cùng doanh nghiệp vì còn nghĩa vụ với gia đình, mặt khác, việc thực hiện 3 tại chỗ đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng cao do phát sinh nhiều khoản chi phí đầu vào do dịch như chi phí vận tải, chi phí phòng chống dịch (chi phí thực hiện 3 tại chỗ, chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động…), cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đã làm cho hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp ngày càng giảm. Điều này được thể hiện khá rõ qua chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh những tháng trong quý 3/2021 liên tiếp giảm, cụ thể, nếu 6T đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức tăng trên hai con số so cùng kỳ (chỉ số sản xuất 6T/2021 tăng 13,38%), thì chỉ sau một tháng đã giảm gần 4% (chỉ số sản xuất 7T/2021 tăng 9,48%), sau hai tháng giảm 10,35% (chỉ số sản xuất 8T/2021 tăng 3,03%), sau 03 tháng chỉ số sản xuất tăng trưởng âm và đến 10/2021 vẫn chưa thể tăng trưởng dương trở lại (10T/2021 bằng 98,83% so cùng kỳ).

            Tỉnh đã kích hoạt trạng thái bình thường mới (Quyết định số 2104/QĐ-UBND ngày 03/9/2021 của UBND tỉnh Tây Ninh về Phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 và Kế hoạch 3676/KH-UBND ngày 21/10/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc han hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19") nhưng đến nay, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn, và cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa thể quay lại sản xuất do không đảm bảo các điều kiện về công tác phòng chống dịch theo quy định. Ngoài ra, do số lượng công nhân được tiêm đầy đủ 02 mũi vacxin vẫn còn ít, vì vậy các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn về nguồn lực lao động, đa số doanh nghiệp duy trì số lượng lao động thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khi có dịch. Tuy vậy, qua chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 so năm 2020 cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp đã dần có sự hồi phục. Mặc dù chỉ số sản xuất vẫn ở mức tăng trưởng âm (10T/2021 bằng 98,83% so 10T/2020) nhưng so với tốc độ của 9T/2021 so cùng kỳ, đã tăng 0,05 điểm phần trăm. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng với quyết tâm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới thì khả năng sản xuất công nghiệp trong quý 4/2021 sẽ tăng mạnh, và sẽ kéo chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2021 trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng dương trở lại so với năm 2020./.

Nguồn CTK

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay807
  • Tháng hiện tại38,054
  • Tổng lượt truy cập1,381,818
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây