Kết quả điều tra chăn nuôi 1-10-2012

Thứ năm - 20/12/2012 23:15 98 0

Kết quả điều tra chăn nuôi 1-10-2012

Tình hình chăn nuôi tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2012 trên địa bàn tỉnh, đàn gia cầm có xu hướng phát triển tốt, nhờ các trang trại nuôi gia công được đầu tư nhiều hơn, nhưng đàn gia súc có dấu hiệu chựng lại. Các hộ nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm mạnh do không tìm được thị trường tiêu thụ trong khi giá cả bấp bênh ảnh hưởng nhiều tới quá trình sản xuất của người chăn nuôi do vậy việc tái tạo đàn gặp rất nhiều khó khăn

        

       

 

          Thực hiện Chương trình điều tra thống kê quốc gia (ban hành theo Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012 của Thủ tướng chính phủ) và Phương án điều tra nông nghiệp và thuỷ sản (theo Quyết định số 329/QĐ-TCTK ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh đã tiến hành cuộc điều tra chăn nuôi thời điểm 1/10/2012 trên địa bàn tỉnh.

         Công tác triển khai Kế hoạch điều tra chăn nuôi thời điểm 01/10/2012 của Cục Thống kê tỉnh được các Chi cục thống kê huyện thị tổ chức thực hiện từ  ngày 26 đến 30/9/2012. Các điều tra viên thống kê ở tất cả các xã , phường , thị trấn trên toàn tỉnh, đồng loạt tiến hành thu thập số liệu trực tiếp tại các đơn vị điều tra trên địa bàn ấp, khu phố từ ngày 1/10/2012. Thời gian điều tra tại cơ sở là 15 ngày, từ ngày 1 đến 15/10/2012. Đối với điều tra phiếu 02/ĐTTT-TB (áp dụng cho các trang trại chăn nuôi) được tổ chức thu thập ở 95/95 xã phường, thị trấn. Phiếu 03/ĐTT-TB  (áp dụng cho đàn trâu, bò và chăn nuôi khác) được tiến hành thu thập trên tất cả các ấp có chăn nuôi. Phiếu 04B/ĐTH-M  với trên 1.400 hộ được điều tra ở các xã có điều tra hộ mẫu chăn nuôi lợn và gia cầm, ngoài ra còn tiến hành điều tra ở một số xã khác do chưa đủ hộ mẫu qui định. Phiếu 04A/ĐTH-M được tiến hành điều tra ở 35 ấp đại diện với gần 3.900 hộ mẫu điều tra, ngoài ra cuộc điều tra còn mở rộng các gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm với qui mô lớn nhưng chưa đủ tiêu chí trang trại để tổng hợp vào kết quả điều tra toàn bộ. Các trang trại nhận nuôi gia công lợn, gà cho đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài cũng được tỉnh chỉ đạo các huyện phối hợp với ấp, khu phố rà soát để  nắm số lượng đầu con hiện có tại thời điểm điều tra và sản phẩm thu được trong 6 tháng qua. Sau khi nghiệm thu kết quả điều tra các huyện thị, các giám sát viên Cục Thống kê đã tổ chức phúc tra, đánh giá kết quả và tiến hành xử lý tổng hợp. Ngày 15/11/2012, Cục Thống kê tỉnh đã hoàn tất báo cáo và công bố kết quả điều tra. Cuộc điều tra đã  xác định, tổng đàn chăn nuôi của tỉnh tiếp tục tăng,  tại thời điểm 1/10/2012 toàn tỉnh có 4.577.924 con gia súc, gia cầm các loại tăng 9,4% (+393.292 con) so với cùng kỳ năm trước, cụ thể từng đàn như sau:

1/Về chăn nuôi gia súc:

     a. Đàn trâu: Tổng đàn đạt 27.217 con giảm 7,06% (-2.066 con) so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn trâu giảm do chỉ nuôi tập trung ở các xã vùng sâu và nuôi mục đích chính để bán giết thịt, do nhu cầu tiêu thụ cao, giá thu mua ổn định, người nuôi có lãi. Tuy nhiên hiện nay nhiều nơi không còn đất trống để chăn thả nên xu hướng đàn trâu ngày càng giảm mạnh. Sản lượng thịt bán giết trong năm đạt 2.565 tấn giảm 7,3% (-202 tấn) so cùng kỳ, sản lượng giảm do số con bán giết giảm. Hiện nay có một số hộ chuyên mua bán trâu, bò từ Camphuchia về tiêu thụ do giá thành tương đối rẻ.

    b. Đàn bò: Tổng đàn đạt 110.697 con giảm 12,05% (-15.163 con) so cùng kỳ. Trong đó bò sữa đạt 2.475 con tăng 2,87% (+69 con) so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn bò có xu hướng ngày càng giảm mạnh do hiệu qủa kinh tế thấp nên nhiều hộ chuyển đổi sang ngành khác, hoặc không nuôi. Mặc dù địa phương đang có chủ trương khuyến khích chăn nuôi, cho các hộ vay vốn chăn nuôi bò và các chương trình xóa đói giảm nghèo của hội phụ nữ cho các hộ nuôi luân phiên để tạo thu nhập. Tuy nhiên đàn bò vẫn không phát triển do chỉ nuôi nhỏ lẻ. Còn bò sữa phát triển tập trung tại huyện Trảng Bàng do giá thu mua sữa cao đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho những hộ nuôi, tuy nhiên giá con giống quá cao nên nhiều hộ chưa phát triển đàn, sản lượng sữa tươi đạt 8.114 tấn tăng 0,04% (+3,4 tấn) tăng nhẹ so cùng kỳ do 1 số con chưa đến kỳ cho sản phẩm. Sản lượng thịt bán giết trong năm đạt 7.200 tấn giảm 7,96% (-623 tấn)  so cùng kỳ, sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của tổng đàn bò giảm làm cho số con bán giết thịt giảm, mặc dù mức tiêu thụ sản phẩm ổn định do nhập từ Camphuchia về.

      c. Đàn lợn: Tổng đàn lợn hiện có 212.670 con tăng 0,9% (+1.887 con) so cùng kỳ, nhưng giảm 4,35% (-9.675 con) so với thời điểm 1/4/2012. Trong đó đàn lợn nái đạt  32.700 con tăng 1,82% (+586 con) so cùng kỳ , giảm 1,33% (-440 con) so với thời điểm 1/4/2012; đàn lợn thịt đạt 179.729 con tăng 0,77% (+1.371con) so cùng kỳ, giảm 4,83% (-9.127 con) so với thời điểm 1/4/2012; lợn đực giống đạt 241 con giảm 22,51% (-70 con) so cùng kỳ, giảm 30,95% (-108 con) so với 1/4/2012. Nguyên nhân đàn lợn tăng nhẹ so cùng kỳ do vào thời điểm điều tra 1/10/2011 có một số hộ nuôi lợn bị dịch bệnh tai xanh tái phát trở lại nên tạm ngưng hoặc không nuôi trở lại, đến đầu năm 2012 giá thịt lợn nhích lên người dân đã nuôi trở lại, nhưng do chịu ảnh hưởng của thông tin nuôi lợn có chất tạo nạc nên giá xuống thấp, chi phí chăn nuôi cao nên nhiều hộ nuôi bị lỗ vốn, qui mô nuôi nhỏ lẻ trong dân ít dần đi, nhiều hộ nghỉ nuôi. Số hộ nuôi ngày càng giảm chỉ tập trung ở một số hộ nuôi với qui mô lớn, tuy nhiên nuôi không ổn định. Hiện nay nuôi ổn định chỉ tập trung ở một số trang trại hợp đồng nuôi gia công với công ty cổ phần CP, với qui mô lớn, tuy nhiên đàn lợn phát triển không mạnh do tiêu chuẩn nuôi đạt điểm thưởng rất ít nên một số hộ không mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, đồng thời con giống của đơn vị giao cho hộ nuôi qúa nhỏ thường bị hao hụt, vì vậy thời gian nuôi kéo dài từ 5 tháng trở lên mới xuất chuồng, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi. Tuy nhiên lợn đực giống giảm mạnh do hiện nay cấy giống chủ yếu bằng thụ tinh nhân tạo nên một số hộ nghỉ.

Sản lượng thịt hơi trong năm đạt 42.239,3 tấn giảm 3,26% (-1.424,7 tấn) so cùng kỳ. Trong đó chủ yếu là thành phần kinh tế cá thể đạt 39.223,8 tấn chiếm 92,86%, kinh thế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.464 tấn chiếm 5,83% còn lại là thành phần kinh tế nhà nước đạt 551,5 tấn chiếm 1,31%. Mặc dù nuôi lợn tăng nhẹ so cùng kỳ, nhưng sản lượng thịt lợn hơi bán giết lại giảm do chỉ tiêu thụ mạnh vào những tháng cuối năm 2011 và vào dịp tết Nguyên Đán, còn hiện nay sản lượng thịt lợn tiêu thụ rất chậm do người dân còn e ngại  dùng thực phẩm này hoặc dùng hạn chế vì sợ người chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

2/Về chăn nuôi gia cầm: 

      a. Đàn gà: Tổng đàn gà hiện có đạt 3.262.880 con tăng 13,8% (+395.797 con) so cùng kỳ, tăng 9,35 (+279.026 con) so với 1/4/2012. Trong đó gà mái đẻ đạt 872.780 con tăng 25,93% (+179.687 con) so cùng kỳ, tăng 33,97% (+221.311 con) so với thời điểm 1/4/2012. Nguyên nhân đàn gà tăng do trong năm không xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên mức độ tổng đàn tăng mạnh nhưng thường không ổn định do người dân nuôi qui mô nhỏ lẻ tự phát nên không bền vững. Mô hình nuôi gà lạnh hiện nay đang phát triển mạnh tập trung ở các trang trại với qui mô nuôi lớn, thời gian cho thu hoạch khoảng từ 45 đến 60 ngày, một số trang trại hợp đồng bán sản phẩm gà sạch cho công ty CP, số trang trại ít vốn thì nhận nuôi gia công do bên A cung cấp đầy đủ con giống, thức ăn, thuốc thú y. Tuy nhiên lượng gà giống giao cho các trang trại thường biến động, tỉ lệ hao hụt còn cao do vậy người nuôi thu lợi nhuận chưa tương xứng với vốn bỏ ra đầu tư ban đầu, nên nhiều trang trại không mở rộng qui mô nuôi. Nuôi gà công nghiệp của thành phần kinh tế tư nhân chưa được nhân rộng, hiện nay mới chỉ có 02 đơn vị nuôi. Còn nuôi gà ta trong dân vẫn được duy trì ổn định do tận dụng các thức ăn thừa để chăn nuôi nhằm cải thiện đời sống nên thời gian cho thu hoạch sản phẩm thường kéo dài.

Nuôi gà công nghiệp đẻ trứng vẫn chỉ có 01 đơn vị, tuy nhiên đàn gà tăng mạnh so cùng kỳ năm trước là do trong năm 2012 đơn vị nhập thêm giống về, vì năm 2011 mới bắt đầu thử nghiệm.

Sản lượng gà bán giết thịt trong năm đạt 10.137,8 tấn tăng 15,52% (+1.362,3 tấn) so cùng kỳ tập trung ở sản phẩm thịt gà công nghiệp do thời gian nuôi ngắn, nhưng sản lượng tăng chậm hơn so với số con xuất bán là do một số trang trại nuôi gà tam hoàng nên trọng lượng bình quân từ 1,4 đến 1,5 kg/con, còn nuôi gà trắng rất ít do con giống cao mà lợi nhuận thu được cũng chỉ ngang bằng với nuôi gà tam hoàng. Tuy nhiên mức đóng góp tập trung chủ yếu ở thành phần kinh tế cá thể đạt 7.614,4 tấn chiếm 75,11%, thành phần kinh tế tư nhân đạt 1.255 tấn chiếm 12,38%, thành phần có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.261,8 tấn chiếm 12,45%, số còn lại là thành phần kinh tế nhà nước chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị sản lượng gà bán giết thịt do nuôi chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của đơn vị. Sản lượng bán giết của thành phần kinh tế tư nhân giảm mạnh do hợp đồng xuất sang Campuchia giảm. Thành phần kinh tế nhà nước giảm do thu hẹp đàn. Thành phần kinh tế cá thể tăng nhẹ do một số hộ trang trại chuyển sang nuôi gia công.

      Sản lượng trứng trong năm đạt 102.844.340 quả tăng 3,11 lần (+69.822.140 quả) so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng tập trung ở trứng gà công nghiệp của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, do đàn gà đẻ trứng đã đến kỳ cho sản phẩm, còn vào thời điểm 1/10/2011 mới bắt đầu cho sản phẩm nên sản lượng trứng thấp.

       b. Đàn vịt: Tổng đàn vịt hiện có 699.220 con tăng 11,58% (+72.557 con) so cùng kỳ, tăng 11,47% (+71.956 con) so với thời điểm 1/4/2012. Nguyên nhân đàn vịt tăng tập trung ở các trang trại nuôi vịt đẻ trứng, còn nuôi nhỏ lẻ trong dân rất ít. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.600,3 tấn tăng 0,55% (+14,28 tấn) so cùng kỳ do có trang trại chuyên nuôi vịt thịt nên sản lượng xuất chuồng tăng. Sản lượng vịt bán giết chủ yếu ở thành phần kinh tế cá thể đạt 2.576,9 tấn chiếm 99,10%, thành phần kinh tế nhà nước đạt 12,1 tấn chiếm 0,47%, còn lại thành phần kinh tế tư nhân đạt 11,3 tấn chiếm 0,43% trên tổng sản lượng bán giết. Hiện nay toàn tỉnh chỉ mới có 01 doanh nghiệp tư nhân nuôi vịt thịt mới đi vào hoạt động nên trong năm đơn vị này mới xuất bán được gần 3 lứa. Thành phần kinh tế nhà nước nuôi vịt chủ yếu để phục vụ cho đơn vị. Sản lượng trứng đạt 18.645.220 quả tăng 16,65% (+2.661.990 quả), sản lượng trứng vịt tăng do một số trang trại chuyên nuôi vịt đẻ.

       c. Đàn ngan: Tổng đàn ngan đạt 23.690 con tăng 13,77% (+2.868 con) so cùng kỳ, tăng 25,1% (4.753 con) so thời điểm 1/4/2012. Nguyên nhân đàn ngan tăng so cùng kỳ do người dân chuyển đổi vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả hơn và chi phí thấp. Tuy nhiên sản lượng đạt 75,39 tấn giảm 7,17%  (-5,82 tấn) do trong tháng 11,12 năm 2011 và tháng 01 năm 2012 tỉnh chọn lấy mẫu giám sát tại một số huyện có thủy cầm xét nghiệm dương tính với vi rút H5N1 nên một số hộ sợ không nuôi. Hiện nay mới tái tạo đàn trở lại. Sản lượng trứng đạt 350.290 quả giảm 1,96% (-7.018 quả) so cùng kỳ do ngan đẻ trứng một số con mới bắt đầu cho sản phẩm nên lượng trứng giảm.

d. Các đàn gia cầm khác: nhìn chung có xu hướng giảm, như Đàn ngỗng, hiện có 2.200 con giảm 25,50% (-753 con) so cùng kỳ. Đàn cút đạt 235.600 con giảm 20,75% (-61.700 con) so cùng kỳ. Sản lượng cút xuất chuồng đạt 65,64 tấn giảm 7,9% (-5,63 tấn), sản lượng trứng đạt 53.531.900 quả giảm 0,95% (-512.450 quả) so cùng kỳ. Đàn cút giảm do chi phí thức ăn tăng cao trong khi giá sản phẩm bán ra không tăng nên người nuôi lãi ít do vậy các trang trại này thường nuôi không ổn định, trứng cút giảm do cút đẻ giảm. Còn đàn bồ câu, các hộ đang nuôi 3.750 con giảm 3,47% (-135 con) so cùng kỳ, sản lượng giảm mặc dù số con xuất chuồng lại tăng do trọng lượng bình quân 1 con giảm.   

3/Về chăn nuôi khác: kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay xu hướng chăn nuôi ong  và rắn đang phát triển rất tốt. Hiện đàn ong  được nuôi  nhiều tập trung ở những huyện có trồng cây ăn quả do tận dụng vườn để nuôi ong, cuộc điều tra thống kê được 1.257 tổ ong,  tăng 23% (+236 tổ) so cùng kỳ, sản lượng đạt 8,36 tấn tăng 18,41% (+1,3 tấn) so cùng kỳ do số tổ tăng, tuy nhiên lượng mật thu được chưa cao. Đối với chăn nuôi rắn, phong trào nuôi rắn long thừa đang phát triển mạnh ở khắp các huyện do đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên rắn hiện có 54.885 con tăng 38,45% (+15.242 con), sản lượng đạt 30,87 tấn tăng 55,2% (+10,98 tấn) so cùng kỳ do nuôi đã đến kỳ cho thu hoạch. Còn nhìn chung, các đàn ngựa, dê, cừu, thỏ đều giảm hơn cùng kỳ, trong đó đàng ngựa và thỏ giảm đến hơn 20%.

 

      Tóm lại, qua kết quả điều tra chăn nuôi có thể nhận định, tình hình chăn nuôi gia cầm duy trì phát triển tốt, nhưng gia súc tại thời điểm cuối năm 2012 của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, xu hướng phát triển có dấu hiệu chựng lại. Chăn nuôi trâu, bò, lợn ở các hộ nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm mạnh do không tìm được thị trường tiêu thụ trong khi giá cả bấp bênh ảnh hưởng nhiều tới quá trình sản xuất của người chăn nuôi do vậy việc tái tạo đàn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi nhưng nuôi trâu, bò ngày càng giảm dần do không còn đồng cỏ trống để chăn thả, các quĩ đất đã được tận dụng để trồng cây lâu năm và cây hàng năm, do vậy hiện nay đàn bò chỉ phát triển ở các hộ nuôi bò sữa tập trung tại Trảng Bàng do giá thu mua tương đối ổn định người nuôi có lãi, tuy nhiên con giống bò sữa hiện nay rất cao nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng đàn. Đàn lợn giảm do ảnh hưởng của việc người chăn nuôi dùng chất tạo nạc đã làm cho mức tiêu thụ sản lượng giảm đáng kể, làm giá thu mua giảm, nhiều hộ nuôi bị lỗ vốn. Hiện nay các trang trại chủ yếu hợp đồng với công ty cổ phần CP để nuôi gia công do được bao tiêu con giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh nên có khả năng trang trại nuôi gia công tăng. Tuy nhiên để hợp đồng được với công tuy cổ phần CP các trang trại phải bỏ vốn rất lớn cho đầu tư chuồng trại mà thời gian thu hồi vốn lại lâu, còn nuôi nhỏ lẻ trong dân rất ít nhiều hộ bỏ chuồng trống do nuôi thường xuyên bị lỗ. Một số hộ nuôi với qui mô lớn nhưng không đủ tiêu chí trang trại thường xuyên biến động do nuôi theo mô hình tự phát.

        Về các đàn gia cầm, đàn gà tăng do không bị dịch mà giá thu mua ổn định, tuy nhiên chi phí tăng cao người nuôi lãi ít nên các hộ nuôi nhỏ lẻ phát triển chậm. Chỉ tập trung tại các trang trại nhận nuôi gia công và một số trang trại hợp đồng bán sản phẩm cho công ty cổ phần CP. Đồng thời hiện nay đã có 02 doanh nghiệp tư nhân chuyên nuôi gà công nghiệp đang hoạt động bước đầu đạt hiệu quả nên khả năng đàn gà sẽ tăng mạnh. Đặc biệt có 01 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên nuôi gà công nghiệp để đẻ trứng đang hoạt động tương đối hiệu quả nên mở rộng đàn do vậy dự báo sản lượng trứng năm 2013 sẽ tăng mạnh.  Đối với đàn vịt tăng chủ yếu ở các trang trại, còn nuôi nhỏ lẻ trong dân giảm, đồng thời trong năm 2012 có 01 doanh nghiệp tư nhân mới hình thành nuôi vịt thịt, nhưng tổng đàn còn khiêm tốn do mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Còn các đàn gia cầm khác, đều có xu hướng giảm, đặc biệt là đàn cút do chi phí thức ăn tăng cao trong khi giá bán không tăng nên một số trang trại tạm ngưng mở rộng đàn.

       Về chăn nuôi khác vẫn được duy trì và phát triển ổn định đặc biệt là mô hình nuôi rắn long thừa đang được nhân rộng trên toàn tỉnh do đem lại lợi nhuận tương đối cao hơn so với chăn nuôi khác. Riêng chăn nuôi ngựa, dê, cừu, thỏ có chiều hướng giảm do giá thu mua không ổn định nên hiệu quả  kinh tế đạt thấp do vậy chăn nuôi thu hẹp lại hoặc không đầu tư để tái tạo sản xuất. 

 

Để tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được phát triển và ổn định, các ngành quản lý cần tiến hành một số giải pháp như : Đẩy mạnh công tác khuyến nông-khuyến ngư, mở rộng và phổ biến đều khắp tại các ấp, khu phố có điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để nhằm phát triển, hướng dẫn việc chọn con giống, và biện pháp nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh. Sớm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020.  Đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp, bán công nghiệp để góp phần tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp; Tiếp tục phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.Ngoài ra, cần hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra và địa chỉ tiêu thụ ổn định để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay3,474
  • Tháng hiện tại88,318
  • Tổng lượt truy cập862,115
ChiSoThongKe
xúc tiến đầu tư
công khai minh bạch
góp ý văn bản dự thảo
cải cách hành chính
đạo đức HCM
hỏi đáp
thư điện tử
kế hoạch
lịch làm việc

Liên kết website

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây